Bộ 10 đề thi giữa kì 2 Văn 12 Cánh diều có đáp án (Đề 1)

105 người thi tuần này 4.6 2 K lượt thi 7 câu hỏi 60 phút

🔥 Đề thi HOT:

Nội dung liên quan:

Danh sách câu hỏi:

Đoạn văn 1

NẠN HỮU XUY ĐỊCH

(Nhật kí trong tù, Hồ Chí Minh)

Phiên âm

Ngục trung hốt thính tư hương khúc,

Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu.

Thiên lí quan hà vô hạn cảm,

Khuê nhân cánh thượng nhất tằng lâu.

Dịch nghĩa

Trong tù bỗng nghe khúc nhạc nhớ quê hương,

Âm thanh trở nên thê lương, tình điệu trở nên sầu muộn.

Nước non xa cách nghìn trùng, cảm thương vô hạn,

Người chốn phòng khuê lại bước lên một tầng lầu.

Dịch thơ – Nam Trân: Người bạn tù thổi sáo

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;

Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,

Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000)

Câu 1

Xác định đề tài, thể thơ và cảm xúc, âm hưởng chủ đạo của bài thơ.

Lời giải

- Đề tài: quê hương

- Thể thơ: tứ tuyệt

- Cảm xúc chủ đạo: nỗi nhớ quê da diết; âm hưởng lắng đọng, buồn da diết.

Câu 2

Đối chiếu bản dịch thơ của câu thứ nhất với nguyên văn (thông qua các bản dịch nghĩa), từ đó xác định từ ngữ ở bản dịch thơ chưa sát nghĩa và phân tích hoàn cảnh, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Lời giải

- Dịch nghĩa: trong tù bỗng nghe khúc nhạc nhớ quê hương.

- Dịch thơ: bỗng nghe trong ngục sáo vi vu.

à Bản dịch thiếu nghĩa của “tư hương” – nhớ quê; bản dịch nghĩa và phiên âm không có “vi vu”, miêu tả âm thanh tiếng sáo.

- Bản phiên âm, dịch nghĩa thể hiện rõ hoàn cảnh của nhân vật trữ tình: đang bị giam ở trong ngục (mất tự do và xa quê), nghe tiếng sáo nhớ quê.

+ Nghe âm thanh tiếng sáo cảm nhận được nỗi lòng người thổi sáo đang nhớ quê.

+ Nỗi lòng nhớ quê tác động mãnh liệt tới tâm hồn người đang bị giam trong ngục.

+ Hai người như giao cảm, thấu hiểu nỗi lòng nhau qua tiếng sáo.

Câu 3

Bản dịch thơ ở câu thứ 2: Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu đã thể hiện trọn vẹn nội dung và cảm xúc ở bản gốc chưa? Hãy phân tích bản gốc (ngắt nhịp, thanh điệu) để thấy rõ sự tinh tế trong cảm nhận tiếng sáo của Hồ Chí Minh.

Lời giải

- Bản gốc: thanh chuyển thê lương điệu chuyển su (âm thanh trở nên thê lương, tình điệu trở nên sầu muộn).

- Bản dịch thơ (khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu) chưa chuyền tải trọn vẹn tình ý ở bản gốc.

à Bản phiên âm, dịch nghĩa: nhịp thơ cổ điển 4/3; với bốn thanh trắc “ngục”, “hốt”, “thính”, “khúc” nghe réo rắt diễn tả tâm trạng nhớ quê hương một cách da diết.

à Dịch được chữ “điệu” mà không dịch được chữ “thanh”, hai yếu tố quan trọng của âm nhạc để diễn tả cảm xúc.

à “Thanh chuyển thê lương”, nghĩa là âm thanh trở nên lạnh lẽo như khúc nhạc chuyển gam; “điệu chuyển sầu” nghĩa là điệu nhạc trở nên buồn bã. Bằng sự biến hóa của âm thanh, nỗi nhớ quê hương trăn trở, day dứt không nguôi trong tiếng sáo của người bạn tù. Tiếng sáo gợi nỗi niềm nhớ thương khắc khoải trong lòng người xa quê.

- Sự tinh tế trong cảm nhận tiếng sáo từ câu thơ đầu sang câu thứ hai:

+ Câu thơ đầu là nỗi nhớ quê hương trong tiếng sáo.

+ Câu thơ thứ hai thể hiện nỗi nhớ quê sâu lắng, tha thiết tới mức thê lương, sầu muộn trong thanh điệu của tiếng sáo: âm thanh trở nên thê lương, tình điệu trở nên sầu muộn.

à Từ đồng cảm đến thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng nhau – những người cùng cảnh ngộ mất tự do, xa quê, nhớ quê da diết.

Câu 4

 Không gian “xa cách nghìn trùng” và “người chốn phòng khuê bước lên một tầng lầu” có phải cảnh thực không? Vì sao có cảnh tượng ấy? Chúng đã gợi ra điều gì ở độc giả?

Lời giải

- Không gian “xa cách nghìn trùng” và “người chốn phòng khuê bước lên một tầng lầu” không phải cảnh thực.

- Chính tiếng sáo, nỗi lòng nhớ quê hương của người bạn tù đã gợi ra cảnh tượng của những người đang nhớ nhau trong ngàn trùng xa cách; chính sự thấu hiểu nỗi buồn vì nhớ quê nhà của người bạn mà thi sĩ tưởng tượng ra cảnh của người vợ nhớ chồng. Họ đang hướng về nhau, người vợ nơi quê nhà nghe được tiếng sáo, nỗi lòng nhớ thương của người chồng xa quê. Tiếng sáo là tiếng lòng, là cầu nối những người đang sống trong thương nhớ với nhau, hiểu nhau, nhớ nhau nhưng phải cách xa nhau.

Câu 5

Nhận xét bản dịch thơ (2 câu cuối) có sát với bản gốc không? Gắn bài thơ vào hoàn cảnh ra đời để phân tích sức gợi và khát vọng của nhân vật trữ tình trong bài thơ và từ đó cho biết em thích bản dịch thơ hay bản gốc hơn.

Lời giải

- Bản dịch thơ (2 câu cuối) vô cùng đặc sắc: hàm súc, giàu sức gợi liên tưởng:

+ “Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi”: bảy chữ gợi ra không gian xa cách và nỗi buồn, niềm thương cảm vô bờ đối với cảnh ngộ của bạn tù (hai vợ chồng nhớ thương nhau trong cách trở); cụm từ “khôn xiết nỗi” giàu sức gợi hiển thị toàn bộ lên bề nổi của ngôn từ như “cảm thương vô hạn”.

+ “Lên lầu ai đó ngóng trông nhau”: vừa chuyển tải được ý ở bản gốc vừa gợi ra được tình, cảnh – hai người trong xa cách đang hướng về nhau, nhớ nhau, mong ngóng nhau trở về.

- Gắn bài thơ vào hoàn cảnh ra đời – khi tác giả đang bị giam trong ngục tù để thấy sự đa nghĩa và sức gợi của bài thơ:

+ Cảnh ngộ “Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi” không chỉ của vợ chồng người bạn tù mà còn là cảnh ngộ của tác gia Hồ Chí Minh: xa nhà, xa nước muôn dặm, nhớ nước nhớ nhà khôn xiết, biết bao giờ mới được trở về, được tham gia vào sự nghiệp cứu nước đang dang dở… à Khát vọng tự do cháy bỏng, mãnh liệt.

à Thể hiện kín đáo, sâu sắc tấm lòng yêu quê hương, đất nước của chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày, gian khổ.

- Học sinh thể hiện sự lựa chọn theo sở thích cá nhân và lí giải đôi nét về sự lựa chọn đó.

Câu 6

Nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của chiến sĩ, thi sĩ Hồ Chí Minh và chỉ ra sự kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại của bài thơ. (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 200 chữ).

Lời giải

* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

- Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn.

+ Nhạy cảm, thấu hiểu nỗi lòng, đồng cảm với cảnh ngộ của người bạn tù.

+ Không than thở, không nói về cảnh ngộ của bản thân.

+ Thể hiện khát vọng tự do, tinh thần yêu nước.

- Kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại.

+ Cổ điển: thể thơ; hình ảnh, ngôn từ hàm xúc, giàu sức gợi,…

+ Tinh thần hiện đại: biến chuyển tinh tế (không tĩnh tại) trong cảm xúc; sự vận động của hình tượng thơ: nhớ quê – thê lương, sầu muộn – nhớ, hướng về nhau.
 
sự sáng tạo trong cách viết.

Câu 7

Yêu nước là một truyền thống vẻ vang và vô cùng tốt đẹp của cha ông ta từ hàng ngàn đời nay. Nó trường tồn qua năm tháng, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không hề mai một. Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) về sự tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ.

Lời giải

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Về sự tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

I. Mở bài

- Giới thiệu về truyền thống yêu nước: giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam.

- Khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước ở thế hệ trẻ.

II. Thân bài

1. Giải thích truyền thống yêu nước

- Yêu nước là tình yêu quê hương, tự hào về lịch sử, văn hóa và dân tộc.

- Biểu hiện của lòng yêu nước qua các thời kỳ:

+ Đấu tranh chống giặc ngoại xâm (Lý, Trần, Nguyễn).

+ Xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ hòa bình.

2. Ý nghĩa của việc phát huy truyền thống yêu nước

- Gìn giữ bản sắc dân tộc, bảo vệ độc lập và tự do của đất nước.

- Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

3. Vai trò của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối và phát huy truyền thống

- Tiếp nối truyền thống:

+ Học tập lịch sử, tôn trọng và tự hào về các giá trị dân tộc.

+ Tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa, giáo dục tinh thần yêu nước.

- Phát huy truyền thống:

+ Học tập, lao động sáng tạo để góp phần xây dựng đất nước.

+ Tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia: biển đảo, biên giới.

+ Tích cực trong phong trào thanh niên: thiện nguyện, bảo vệ môi trường.

4. Thực trạng và giải pháp

- Thực trạng: Một bộ phận thanh niên thờ ơ, chạy theo lối sống thực dụng.

- Giải pháp:

+ Giáo dục lòng yêu nước từ gia đình và nhà trường.

+ Tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát huy vai trò qua các phong trào thiết thực.

III. Kết bài

- Khẳng định lại tầm quan trọng của truyền thống yêu nước.

- Kêu gọi thế hệ trẻ nỗ lực học tập, hành động để xứng đáng với truyền thống cha ông.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.                                                                                                          

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.
Phần hướng dẫn trên đây chỉ là những gợi ý, định hướng. Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, giám khảo cần linh hoạt vận dụng hướng dẫn chấm và câu trả lời của học sinh để đánh giá cho điểm phù hợp, ưu tiên những bài làm có tính sáng tạo cao. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.
4.6

392 Đánh giá

50%

40%

0%

0%

0%