Giải SBT Ngữ văn 12 KNTT Bài 8: Dữ liệu trong văn bản thông tin

33 người thi tuần này 4.6 157 lượt thi 34 câu hỏi

Đề thi liên quan:

Danh sách câu hỏi:

Câu 16:

Bài tập 5. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Cái chết đen ám chỉ tới trận dịch hạch lan tràn trên lục địa Á – Âu giữa thế kỉ XIV. Nổi tiếng trên khắp châu Âu với tên gọi Cái chết đen, dịch bệnh này được cho là gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis và lây lan thông qua loài bọ chét sống trên chuột đen [...].

“Cái chết đen” tham gia góp phần làm thay đổi lịch sử châu Âu, lịch sử các đế chế và lịch sử toàn cầu. Người Mông Cổ và các vương quốc của họ bắt đầu mất đi các sự kết nối cần thiết, phân tán, và bị địa phương hoá mạnh hơn. Đúng hai thập kỉ sau trận dịch, một người nông dân – nạn nhân của các nạn đói và dịch bệnh tên Chu Nguyên Chương đã lãnh đạo người Hán giành lại quyền kiểm soát vùng bình nguyên giữa hai con sông Hoàng Hà – Trường Giang và lập ra một đế chế mới có tên Đại Minh.

Khi sức ép của quân Mông Cổ lên châu Âu giảm đi, đó là thời cơ cho một đế chế khác nổi lên giữa lục địa Á – Âu: Ốt-tô-man (Ottoman). Dịch hạch rõ ràng đã làm thay đổi ngôi thứ của các đế chế. Việc quân Ốt-tô-man kiểm soát các tuyến đường thương mại và việc các thành thị dọc Địa Trung Hải của I-ta-li-a (Italia) bị tàn phá bởi dịch bệnh đã gây ra một chuyển dịch lớn về địa chính trị ở châu Âu nhằm chuẩn bị cho thời kì tư bản hiện đại. Đó là việc các trung tâm kinh tế sầm uất của Vơ-ni-dơ (Venice), Giê-noa (Genoa),... sẽ dần dần được thay thế bởi người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, và sau đó là Anh, Pháp,...

Những cường quốc này sẽ thúc đẩy thương mại đường biển thay vì con đường tơ lụa trên bộ truyền thống. Điều đó mở ra các cuộc phát kiến địa lí, tìm ra châu lục mới, thương mại hàng hải toàn cầu, chế độ nô lệ, chủ nghĩa thực dân,...

Một chú giải nhỏ cuối cùng của câu chuyện quá khứ đau thương này xin được dành cho nàng công chúa của nước Anh: Gioan (Joan), cô con gái được yêu chiều của vua Ét-uốt III (Edward III, 1312 – 1377). Vị vua đang can dự vào một trong các cuộc chiến tranh, dàn xếp chính trị và hôn nhân quan trọng nhất của Tây Âu có tên gọi: Chiến tranh Trăm năm (1337 – 1453). Để bảo đảm cho thắng lợi của mình trước người Pháp và mở rộng các vùng đất đang kiểm soát trên lục địa, Ét-uốt III quyết định gả con gái cho hoàng tử kế ngôi Pi-tơ (Peter) của vương triều Ca-xtin (Castile, Tây Ban Nha). Cuộc hôn nhân chắc chắn sẽ tạo ra một bước ngoặt mới của cuộc chiến mà hệ quả của nó là việc vẽ lại bản đồ châu Âu.

Sau ba năm đính ước, mùa hè năm 1348, Gioan được hộ tống từ Anh tới Tây Ban Nha bằng một hạm tàu vũ trang nghiêm ngặt gồm bốn chiếc. Một trong số đó được dành riêng cho xiêm y và đồ trang sức của nàng công chúa. Khi hạm thuyền tới Boóc-đô (Bordeaux), bệnh dịch đã tràn tới thành phố này, tuy nhiên người Anh dường như chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của nó. Rất nhanh chóng, những người tuỳ tùng bỏ mạng, và tới lượt nàng công chúa mười lăm tuổi, qua đời ngày 01/7/1348.

Gioan đã lỡ hẹn một cuộc hôn nhân, còn nước Anh lỡ hẹn với một đồng minh. Lịch sử không có nếu. Còn những gì diễn ra sau sự lỡ hẹn này là kết cục cuối cùng nước Anh thất bại trong cuộc chiến Trăm năm, nước Pháp tập quyền bắt đầu hưng thịnh, và lịch sử châu Âu sang trang mới.

Sẽ là cường điệu quá mức khi nói rằng chuột đen hay những con bọ chét đã vẽ lại bản đồ châu Âu, đánh tráo trật tự đế chế hay xác lập quyền lực toàn cầu, nhưng rõ ràng chúng đã tham gia vào các thời khắc quan trọng như thế của lịch sử con người. Và sẽ còn tiếp tục can dự trong tương lai.

(Vũ Đức Liêm, Bệnh dịch và số phận của con người xã hội,

tạp chí Tia sáng, ngày 22/02/2020)

Xác định các ý chính, ý phụ trong văn bản.


Câu 21:

Bài tập 6. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Sứ mệnh khai hoá” được thai nghén từ rất nhiều nguồn tư tưởng tôn giáo, chính trị và học thuật, được viết hay tuyên bố bởi một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học và chính trị gia. Và họ, hoặc bằng xác tín chính trị, hoặc bằng “thực chứng” khoa học, thành tâm và nhiệt thành tin tưởng ở “sứ mệnh” cao cả này.

Tuy nhiên, có những nhân vật, như Giuyn-lơ Hác-man (Jules Harmand) không tin vào sứ mệnh khai hoa, bằng những lí lẽ thẳng thừng:

“Tốt hơn hết là hãy cố mà điều chỉnh các hành động của chúng ta sao cho phù hợp với hoàn cảnh thống trị, sự thống trị bằng chinh phục này bản thân nó đã không dân chủ, và đừng có lạm dụng những trò đạo đức giả nhỏ mọn và cả những trò bịp bợm. về văn minh vì nó chẳng đánh lừa được ai sất. Hãy cố mà tìm cách biện minh cho sự thống trị vì lợi ích chung của cả kẻ thống trị và bị trị”.

Những thực tế trên địa hạt Đông Dương khiến cho nhà cầm quyền thuộc địa phải hiện thực hoá và cụ thể hoá sứ mạng này trên phương diện giáo dục bằng hai mô hình đồng hoá và hợp tác trong công cuộc chinh phục con tim dân bản xứ. Đồng hoa nhằm Pháp hoá con dân bị trị để đưa họ đến gần với văn minh [...]. Nhưng một hiểm hoạ và ám ảnh rình rập người Pháp, đó là đến thời điểm nào đó, dân bản xứ, sau một quá trình “tiến hoá” sẽ đòi hỏi bình đẳng với kẻ đi chinh phục. Hợp tác thực chất là một “khế ước, theo Giuyn-lơ Hác-man, giữa kẻ thống trị và bị trị. Thay vì san phẳng truyền thống, văn hoá hay ngôn ngữ bản địa, kẻ chinh phục phải tôn trọng nền văn minh lâu đời “độc đáo và khá phát triển” của các dân tộc Đông Dương, và chỉ nên giáo dục họ đủ để họ thoát ra khỏi tình trạng “trì trệ”. Kẻ bị trị phải chấp nhận sự thống trị thực dân, bù vào họ được hưởng những lợi ích (trật tự xã hội, tiến bộ kĩ nghệ, an ninh, giáo dục, y tế,...). Vì thế, vẫn nên hiểu sự hợp tác phải hoàn toàn nằm trong khuôn khổ đô hộ.

[...] Giuyn-lơ Hác-man đã cảnh báo giáo dục chính là “con dao hai lưỡi cầm vào rất nguy hiểm, thậm chí mũi dao đã bị tẩm độc”. Thực tế chứng minh, nhiều thập niên sau, giáo dục thuộc địa đã giúp hình thành nên giới trí thức tinh hoa bản xứ. Tiếp thu trực tiếp tư tưởng văn minh và khai sáng đích thực của Âu châu, giới tinh hoa này đối thoại và chất vấn với chính quyền thuộc địa tại chính quốc hay ở các xứ thuộc địa. Cùng với quần chúng, họ lật đổ và xoá bỏ chủ nghĩa thực dân, nhưng bằng những phương cách rất khác nhau.

(Nguyễn Thuỵ Phương, Nguồn gốc luận thuyết của “sứ mệnh khai hoá”,

tạp chí Tia sáng, ngày 07/8/2019)

Thông tin chính được cung cấp trong văn bản là gì? Thông tin chính đó được triển khai thành các ý phụ nào?


Câu 27:

Bài tập 7. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Rất ít tộc người có tín ngưỡng tôn giáo sâu sắc như người Bô-rô-nô (Borono), cũng rất ít tộc người có một hệ thống siêu hình hoàn chỉnh đến thế. Nhưng các tín ngưỡng thần linh và các tập tục thường nhật hoà trộn chặt chẽ, hình như người thổ dân không hề có cảm giác chuyển từ một hệ thống này sang một hệ thống khác. Tôi đã gặp lại sự sùng đạo ngây thơ này trong những đền thờ Phật trên vùng biên giới Mi-an-ma (Myanmar), nơi các nhà sư sinh sống và ngủ nghệ trong gian phòng dành cho việc thờ cúng, xếp những bình đựng thuốc mỡ và túi thuốc cá nhân ngay dưới chân bàn thờ và không hề ngại chăm sóc những đám trẻ vị thành niên được giám hộ của mình trong khoảng thời gian giữa hai bài học chữ cái.

Thái độ suồng sã này đối với cái siêu nhiên càng khiến tôi ngạc nhiên do cuộc tiếp xúc duy nhất của tôi với tôn giáo thuộc mãi thời một tuổi thơ không tín ngưỡng, lúc tôi ở nhà ông nội tôi, vốn là pháp sư đạo Do Thái ở Véc-xây (Versailles), hồi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ngôi nhà, dính liền với nhà thờ, được nối thông bởi một đoạn hành lang bên trong dài mà mỗi lần liều lĩnh đi qua hành lang không khỏi gây một cảm giác kinh hãi, chỉ riêng nó đã tạo thành một đường ranh không thể vượt qua giữa thế giới trần tục và cái thế giới thiếu vắng chính cái hơi ấm của con người, vốn là một điều kiện tiên quyết để cảm nhận cái linh thiêng. Ngoài những giờ cúng lễ, ngôi nhà thờ trống trơn và thời gian có việc của nó không đủ dài cũng không đủ nồng nhiệt để có thể lấp đầy trạng thái cô quạnh có vẻ là tự nhiên của nó mà những buổi cúng tế đã khuấy động một cách không phải phép. Việc cúng lễ của gia đình cũng chịu cảnh khô khan như vậy. Ngoài lời cầu nguyện không thành tiếng của ông tôi trước mỗi bữa ăn, chẳng gì báo cho bọn trẻ biết chúng bị sống trong sự áp đặt phải thừa nhận một sức mạnh ở trên cao kia, nếu không phải là một băng rôn bằng giấy dán trên tường phòng ăn, với dòng chữ: “Hãy nhai thức ăn cho kĩ, sự tiêu hoá tuỳ thuộc vào việc đó”.

Không phải ở người Bô-rô-nô, tôn giáo có nhiều uy thế hơn: hoàn toàn ngược lại, nó là chuyện tự nhiên. Trong ngôi nhà đàn ông, những cử chỉ cúng tế được thực hiện cũng thoải mái như mọi cử chỉ khác, cứ như đấy là những hành động thực dụng được tiến hành để mang lại kết quả cho chính chúng, không đòi hỏi cái thái độ tôn kính đè phủ lên ngay cả trên một người vô thần khi bước vào một đền thờ. Buổi chiều hôm ấy, người ta ca hát trong ngôi nhà đàn ông coi như là để chuẩn bị cho nghi lễ công cộng buổi tối. Trong một góc nhà, đám con trai nằm ngáy hay trò chuyện, hay hai ba người đàn ông vừa hát vừa khua những cái lắc, nhưng nếu một người trong số họ muốn châm lửa mồi thuốc hay đến lượt anh ta múc cháo ngô, anh ta trao nhạc cụ cho một người ngồi cạnh tiếp tục lắc, hay thậm chí anh ta một tay tiếp tục lặc, tay kia thì gái sồn sột. Nếu một vũ công vênh vang để khoe tiết mục mới ứng tác của mình là mọi người dừng lại và bình phẩm, cuộc lễ dường như bị quên cho tới lúc, ở trong một góc nhà khác, bè đồng ca lại tiếp tục từ đoạn vừa bị ngắt quãng.

Tuy nhiên, ý nghĩa của ngôi nhà đàn ông còn vượt quá ý nghĩa gắn liền với trung tâm đời sống xã hội và tôn giáo mà tôi đã cố gắng mô tả. Cấu trúc của ngôi làng không chỉ tạo điều kiện cho trò diễn tinh tế của các thể chế: nó tổng hợp và đảm bảo cá mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, giữa xã hội với thế giới siêu nhiên, giữa những người sống và những người chết.

(Cờ-lốt Lê-vi-Xtơ-rốt – Claude Lévi–Strauss, Nhiệt đới buồn, Ngô Bình Lâm dịch,

NXB Tri thức, Hà Nội, 2009, tr. 235 – 237)

Các thông tin trong văn bản được sắp xếp theo trình tự nào? Cho biết tác dụng của cách sắp xếp đó.


4.6

31 Đánh giá

50%

40%

0%

0%

0%