Câu 1:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Bước tiến của con tôm thẻ chân trắng tại Thái Bình
(1) Thái Bình bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước lợ từ năm 2010, và sau đó phong trào nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Nhận thấy tiềm năng của đối tượng này, từ năm 2012, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN Thái Bình, Công ty TNHH Phương Nam đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao tại Thái Bình”. Sau 2 năm thực hiện, doanh nghiệp Phương Nam đã xây dựng thành công mô hình ương giống và mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện sinh thái ven biển Thái Bình. Trong đó, đáng ghi nhận là mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
(2) Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trong nhà kính kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm”, Công ty TNHH Phương Nam đã đưa từ 2 vụ nuôi/ năm lên 4 vụ nuôi/năm, đưa năng suất nuôi từ khoảng 1 kg/m 2 lên 2-3 kg/m 2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm từ 70-75 con/kg lên 30-35 con/ kg chỉ sau 105 ngày nuôi.
(3) Việc đưa từ 2 vụ nuôi lên 4 vụ nuôi/năm không đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế từ việc tăng hệ số vòng quay ao nuôi và vòng quay vốn lưu động mà điều quan trọng là, 2 vụ nuôi tăng thêm thực chất là 2 vụ nuôi trái vụ nên đã tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”. Đặc biệt ở vụ đông, để có tôm xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán, trong điều kiện thời tiết đông giá, các tỉnh phía Bắc không thể nuôi tôm theo phương thức cổ truyền. Nhờ ưu thế sản phẩm trái vụ nên tôm xuất bán vào dịp cuối năm thường có giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi những tháng chính vụ. Cũng nhờ lợi thế công nghệ nuôi nhà kính, chủ động việc kiểm soát nhiệt độ, môi trường nên giảm thiểu được bệnh dịch, đảm bảo an toàn sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng, tạo điều kiện nuôi thâm canh và thâm canh cao, chủ động được thời điểm thu hoạch, nhờ đó đồng thời giải quyết được các mục tiêu là năng suất và chất lượng sản phẩm, tiếp đến là giá cả, nguồn tiêu thụ và cuối cùng là suất lợi nhuận trên một đơn vị diện tích và đồng vốn đầu tư. Nhu cầu của thị trường cho thấy, nếu kích cỡ tôm thương phẩm tăng gấp đôi thì giá bán cũng tăng gấp đôi. Vì thế, đây là một trong những ưu việt của phương thức nuôi tôm trong nhà kính mà Công ty TNHH Phương Nam và một số hộ nuôi đã thực hiện.
(4) Việc ứng dụng công nghệ nuôi mới trong nhà kính đã cơ bản giải quyết được vấn đề thời vụ và năng suất nuôi, song vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm (đặc biệt là vấn đề tồn dư kháng sinh trong tôm nuôi) vẫn còn là một câu hỏi. Để giải quyết vấn đề này, năm 2016, Công ty TNHH Phương Nam tiếp tục được hỗ trợ thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nuôi tôm thương phẩm theo hướng VietGAP”. Sau 2 năm thực hiện, Công ty đã thu được nhiều kết quả về chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và những tiêu chí VietGAP được chứng nhận. Các hộ tham gia thực hiện mô hình đều tuân thủ theo quy trình VietGAP. Môi trường ao nuôi ổn định, sản phẩm nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa chất lượng tôm nuôi lên một mốc mới, nhờ đó sản phẩm tôm nuôi đã mở rộng được thị phần tiêu thụ. Đặc biệt, đã xây dựng được quy trình nuôi tôm thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với điều kiện Thái Bình, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh ứng dụng ra diện rộng cho các hộ nuôi trồng ở hai huyện ven biển của tỉnh (Tiền Hải và Thái Thụy), tạo tiền đề cho việc xây dựng vùng tôm nguyên liệu Thái Bình, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang một số thị trường khó tính.
(5) Không dừng lại ở đó, qua nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới cho thấy, các nước như Hoa Kỳ, Thái Lan... đã và đang áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh công nghệ cao hiện đại bằng việc áp dụng công nghệ xử lý nước nhanh, quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, bùn thải phát sinh trong quá trình nuôi được thu gom và xử lý triệt để bằng công nghệ biogas... Chính vì vậy, đầu năm 2018, Công ty TNHH Phương Nam tiếp tục thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ xử lý nước và công nghệ biogas xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cao sản theo hướng phát triển bền vững”.
(6) Mục tiêu của dự án là nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cao sản theo hướng phát triển bền vững nhờ ứng dụng tổng hợp các quy trình công nghệ nuôi tôm, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất hiện nay. Đây là một bước tiến mới, mang tính đột phá về KH&CN trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương nói riêng và trên cả nước nói chung.
(7) Điểm nổi bật của mô hình là nuôi khép kín, không thay nước, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các yếu tố gây ô nhiễm từ môi trường ngoài xâm nhập vào, điều này giúp cho việc kiểm soát các yếu tố môi trường và dịch bệnh được thuận lợi và dễ dàng, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi. Nước thải và bùn thải trong quá trình nuôi được tận dụng và xử lý triệt để nên tiết kiệm chi phí sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường, không gây phát tán mầm bệnh, hạn chế sự phát sinh và lây lan dịch bệnh.
(8) Chỉ chưa đầy 1 năm thực hiện, kết quả của dự án cho thấy, yếu tố môi trường nuôi được giải quyết một cách toàn diện, cho phép nâng cao mật độ nuôi, đưa năng suất nuôi từ 1-2 kg/m 2 lên mức 4-5 kg/m 2 (nuôi thâm canh). Kết quả này đã đưa ngành nuôi tôm ở hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy lên một tầm cao mới, góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế biển Thái Bình, là mô hình điểm cho nhiều địa phương tham quan, học tập.
(9) Qua quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trong sản xuất cho thấy, doanh nghiệp đã nhận thức rõ về vai trò của KH&CN trong phát triển sản xuất. Không chỉ dừng lại ở đó, việc áp dụng các tiến bộ KH&CN đã giúp nâng cao kiến thức nuôi tôm thẻ chân trắng cho người nuôi tôm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng về giá trị cho ngành và cho địa phương.
(10) Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các đề tài đã giúp nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho các kỹ thuật viên của doanh nghiệp Phương Nam nói riêng, người dân ven biển nói chung. Từ kết quả của đề tài đã vận dụng tốt trong sản xuất, giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, người lao động có việc làm ổn định, mức sống được nâng cao, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
(11) Về mặt môi trường, các kết quả nghiên cứu khoa học đã giúp cho môi trường tại các khu vực nuôi không bị ô nhiễm, đảm bảo phát triển sản xuất lâu dài, bền vững. Đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của ngành và của địa phương, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển nuôi tôm và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt
(Nguồn: “Bước tiến của con tôm thẻ chân trắng tại Thái Bình”, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 12, năm 2018)
Nội dung chính được văn bản đề cập là gì?